Nuớc Mỹ, một siêu cường quốc về kinh tế, sở hữu nền giáo dục tiên tiến và sự đa dạng văn hóa, luôn là điểm đến hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế. Một tấm bằng từ một trường Đại học ở Mỹ có thể dẫn đến bất cứ cơ hội nghề nghiệp nào cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn trường đại học tại Mỹ, học sinh muốn được xét tuyển vào các trường đại học uy tín, được xếp thứ hạng cao không phải dễ. Hệ thống đại học UMASS bao gồm: MASSACHUSETTS BOSTON (UMB), MASSACHUSETTS DARTMOUTH (UMD), MASSACHUSETTS LOWELL (UML)  là những trường đại học mà sinh viên Việt Nam đang hướng tới. Tạp chí London đã vinh danh một số trường học tại  Massachusetts là những trường đại học thuộc top hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo hàng năm trên website của tạp chí The Times Higher Education, trụ sở đặt tại London, 43 trường đại học Mỹ đã được đưa vào danh sách top 100 thương hiệu đại học mạnh nhất toàn cầu.Cũng theo ghi nhận của tạp chí The Times, việc sắp xếp thứ hạng không dựa trên những đánh giá chủ quan mà dựa vào đánh giá của các chuyên gia. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm của mình, các chuyên gia đã mang đến một bức tranh chân thực về những trường đại học danh tiếng bậc nhất trên thế giới. Nếu như đại học  Harvard đứng thứ nhất thì Học viện công nghệ Massachusetts đứng thứ nhì

Thông tin du hoc Mỹ tại trường UMASS (MỸ)

Năm trường đại học thuộc hệ thống Umass được xếp hạng thứ 42. Trong đó đại học Boston, mặc dù không được đưa ra một thứ hạng cụ thể, nhưng được xếp trong danh mục từ 81 đến 90.

Ông Robert L. Caret – chủ tịch hội đồng quản trị của hệ thống các trường tại Massachusets cho biết : “ Chúng tôi rất vui mừng với thứ hạng hùng mạnh, điều đó cho thấy Massachusetts được thẩm định bởi các chuyên gia học thuật trên khắp thế giới. Những đánh giá tổng thể của hệ thống UMass một lần nữa khẳng định các điểm mạnh, những đặc tính và thành quả mà năm cơ sở của UMass đạt được. Thứ tự xếp hạng cũng chỉ ra một thực tế rằng UMass sau 150 năm thành lập đã đạt được tầm vóc quốc tế và nhận được nhiều sự ủng hộ trên toàn thế giới.

TẠI SAO NÊN HỌC TẠI BOSTON?

Boston, thành phố sinh viên

Đầu tháng Chín, Boston đã trở mùạ Khí hậu mát mẻ, dễ chịu , tháng tựu trường như báo tin một mùa thu nữa đang nhẹ bước về trong thành phố. Không phải là những trận mưa rào làm dịu đi cơn nắng mùa hạ, mà là những trận mưa bay bay đến thường nhật làm cho thành phố mang một vẻ đẹp khói sương, mơ màng. Những dãy phố với những căn nhà cũ kỹ, dưới bầu trời xam xám, tàn cây rủ lá ướt đẫm nước làm cho thành phố trông càng cổ kính hơn. 

Thế nhưng du khách đến Boston không khỏi cảm nhận được cái không khí mới mẻ, vui tươi và đầy nhiệt huyết trải rộng dưới bầu khí trong lành, giữa dòng xe cộ lên xuống, bởi vì Boston và Cambridge, hai thành phố nối liền nhau bằng con sông Charles, lúc nào cũng tràn ngập những khuôn mặt măng non, nhìn đời bằng một con mắt màu xanh, và một trái tim đầy nhiệt huyết, và tin tưởng.

Cambridge là một thành phố nhỏ nằm trong thành phố lớn là Boston (innner city), nơi đây có hai trường đại học nổi tiếng Harvard và Massachussets Institute Technology (MIT). Băng qua cái cầu nhỏ là Boston. Phía bên này con sông lặng lờ, là con đường lớn, dài, như cái tên -Commonwealth - rộn rịp xe cộ và sinh viên của đại học Boston Universitỵ.

Đi trong thành phố, cứ trông lá cờ treo trên các cột điện, là có thể đoán biết ta đang ở gần đại học nào. Phía bên ngoài đường phố rộn ràng là thế, nhưng nếu du khách bước vào khuông viên trường, thì quang cảnh khác hẳn. Không còn cái ồn ào, đông đảo của dòng xe cộ, của các quán ăn, tiệm buôn, của tàu điện, của người và người, mà là những thảm cỏ xanh mướt, những cây dương, cây liễu rủ quanh bờ hồ, mùa đông bãi cỏ là một màu trắng, cây trơ lá kiên nhẩn đứng trông theo các cô cậu học trò vội vả chuyển lớp. Các dãy building trường, màu đỏ của gạch của ngói, được tô điểm bởi các dây leo, là những đặc điểm kiến trúc của các đại học cổ xưa miền Đông Hoa Kỳ.

Tại đại học Harvard, ở ngoài cổng trường hầu như lúc nào cũng có một đám sinh viên hô hào, kêu gọi dân cư tranh đấu cho một vấn đề nào đó. Phía bên kia của cái cổng cao nghều nghệu, của dấu hiệu chữ Hy Lạp trên trường, du khách vây quanh bức tượng của John Harvard, người thành lập đại học nổi tiếng nhất nước Hoa Kỳ để chụp hình lưu niệm. 

Màu xanh lá của cây cối trông tươi mát như muốn hoà mình với những cô cậu sinh viên trẻ, quần áo giản tiện, ngơ ngác đứng góc đường, tìm kiếm phương hướng. Với số lớn đại học như thế, mỗi năm chắc hẳn là có một số lớn sinh viên mới toanh tới thành phố, và trong đó có những phụ huynh đem con lần đầu tiên đi học xa.

Dân cư Boston đã quen với sinh hoạt hàng năm này, cho nên những người lái xe tại Boston kiên nhẫn có thừạ. Con đường nhỏ của Boston thường chỉ có hai lối, một phía bên lề còn là chỗ đậu xe, thế mà các xe dọn nhà, một số là xe truck màu vàng - loại xe cho mướn – còn lại là các xe nhà đủ loại lớn, nhỏ trên mui cột nệm, đang đi bỗng dưng nhận ra được mục tiêu, thế là tự nhiên ngừng xe lại, chiếm ngay một lối xe chạy, ngăn chận dòng lưu thông. Thế mà các tài xế Boston, chẳng có ai tỏ vẻ khó chịu, bấm còi, cho coi nhất dương chỉ gì cả, các xe bị chận, nhường cho nhau, tự động đổi lane, vui vẻ cả làng. Các đường phố gần khu đại học đầy những rác, những nệm, những giường gãy của các sinh viên dọn đị. Thế mà hai ngày sau, xe đổ rác đến và dọn sạch sẽ cả.

Trong các đường nhỏ, trong khu sau đạii học, có khi kẹt cứng cả xe cộ, vì có người không biết là một chiều đi vào, thế là dòng xe cộ ngưng đọng hẳn, nhưng mọi người ai cũng vui vẻ đợi, người ra kẻ vô, khiêng từng thùng giấy, bàn ghế, giỏ đựng rác vvvv .... Bạn bè gọi nhau ơi ới, cha mẹ nhìn các con thông cảm ... Đời có những lúc vô tư, giữ được phút nào hay phút ấy .... 

Boston, thành phố của du lich

Vào mùa hè, Boston đón nhận một số du khách đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp xanh màu cây lá, cũng như đi viếng những di tích lịch sử đã tạo nên Hiệp Chủng Quốc. Giữa hè, cuối mùa xuân, đầu thu, lại có một số du khách bắt buộc phải đến Boston, vì họ là những cha mẹ đem con đến thăm trường, đến dự lễ ra trường cho con, hoặc tới giúp con dọn nhà vào khu cư xá của trường, hay dọn vào các chung cư. 

Dù du khách đến Boston lần đầu hay trở lại Boston vì công việc, chắc chắn thành phố không thiếu chốn viếng thăm. Không tội gì mướn xe, vì Boston là tỉnh xưa, đường nhỏ, nên lắm đường một chiều, từ một chiều lại nhảy sang hai chiều, có lúc phải vòng lung tung, vì hai, ba đường cùng ngược chiều nằm cận nhau, lái xe lòng vòng mãi mới tới nơi mình muốn tới, rất dễ cho khách du nổi điên. Đậu xe lại rất đắt tiền. Không những thế, tại những khu dân cư, xe phải mang thẻ đậu của khu đó. Tiện nhất là sử dụng phương tiện lưu thông công cộng.

Boston có một hệ thống xe lửa điện, gọi là Train, rất giản tiện, chỉ có ba đường, màu đỏ, xanh lá và xanh dương. Đi trong thành phố chỉ cần biết hai đường tàu điện thôi. (Đường điện màu xanh dương là đi ra ngoài thành phố, về phía phi trường Logan). Tàu điện đi khắp nơi trong thành phố, từ các khu nhà, dãy phố của dân lao động, đến các đại học, nhà thương, từ Cambridge, Harvard Square, đến phố chính (downtown Boston), nơi có thư viên đồ sộ của thành phố (có khu sách tiếng Việt), qua Copley Square, Hý Viện, trường nhạc Berklee mà thỉnh thoảng có vài chàng sinh viên đứng thổi kèn cho khách mua vui, và kiếm tí bạc cắc. Tàu điện cũng đi qua Chợ Tàu, Beacon Hill, khu Toà Thị Chính, và từ đó bước sang Faineuil Hall, Quincy Market, rồi nếu còn sức tàn bộ đến North End (phố Ý) . 

Trước hết, muốn viếng khu lịch sử thì phải bắt đầu bằng Boston Common. Bắt nguồn từ thế kỷ 16, lúc đó Boston Common là một đầm lầy, sau là một bãi tập cho quân đội Anh, giờ đây là khu công viên lâu đời nhất xứ Hợp Chủng quốc. Rộng tới 50 mẫu Anh, từ đó một thành phố được dựng lên, những đồi được san bằng biến thành những con phố nhỏ với những con đường lát gạch gọn ghẽ. Từ Boston Common du khách có thể theo con đường gạch đỏ, gọi là Freedom Trail, Con đường Tự Do, sẽ dẫn du khách đi qua Toà Thị Sảnh đô sộ mới mẻ, chiêm ngưỡng các tượng của những nhân vật lịch sử của Boston, và những địa điểm lịch sử tạo thành Boston ngày nay, tỷ như cuộc thảm sát gọi là Boston Massacre, bắt đầu cuộc chống đối của dân cư với nhà cầm quyền Anh quốc, rồi các nhà thờ xưa, trường học cộng đồng cổ nhất nước Hoa Kỳ, nhà in đã in những quyển sách nổi tiếng thời xưạ Boston còn là thành phố với rất nhiều nhà thờ cổ kính, rất đẹp, có nơi lấy lệ phí để trùng tu nhà thờ, có nơi cho du khách vào xem không tốn tiền. 

Hai nơi nằm cạnh nhau, du khách không thể không ghé qua, đó là khu thị tứ, Faneuil Hall và Quincy Market. Faneuil Hall, được cất lên từ một toà nhà kiến trúc kiểu Hy Lạp xưa. Thuở mới xây cất, thế kỷ 17, Faneuil Hall, lấy tên của một thương gia giàu có nhất Boston, đã xây cất một chợ lớn, để các nhà buôn bán trao đổi dịch vụ. Nhưng Faneuil Hall còn nổi tiếng vì đó là một điểm lịch sử. Tầng hai của Faneuil Hall là nơi tụ họp công cộng, cho các chính trị gia tới thảo luận các chương trình, là nơi các ứng cử viên tranh luận trước công chúng. Đến bây giờ các chính trị gia cũng còn dùng Faneuil Hall để bắt đầu cuộc tranh cử của mình, nếu họ xuất xứ từ miền Đông, Hoa Kỳ. 

Festival Market, tạm dịch là Khu Chợ Hội thành phố, là một khu thị tứ gồm những quán hàng tạp hoá, những tiệm bán sản phẫm thủ công nghệ của các tiểu thương gia, các tiệm bánh kẹo be bé xinh xinh. Hầu như thành phố lớn nào trên nước Hoa Kỳ cũng có một "Chợ Hội" như vậy, nhưng chính Quincy Market tại Boston được coi như là Khu Chợ Hội tiên phong.. Vào khoảng giữa thập niên 60s, James Rouse một thiết kế gia thành phố đã đưa ra ý kiến xay một khu chợ để thu hút du khách trong giãy phố xưa, giờ đã quá cũ, nhiều tầng nhà đã suy sụp, mất thẩm mỹ …Gần đó, đã có Faneuil Hall kiến trúc cũng tựa vậy. Thế là ý kiến được thành hình và ngày nay Quincy Market đã thu hút rất đông du khách hàng năm tới thăm viếng Boston, và cũng là nơi dân Boston tới bát phố cuối tuần. Hiện tại thì, có lẽ du khách khg còn tìm thấy chất xưa cũ của Boston tại Quincy Market, nhưng bảo đảm ai tới khu phố thị này cũng thích vẻ rộn rịp, muôn màu sắc của khoảng 40 sạp ăn, đầy đủ dân tộc tính, Ý, Anh, Mỹ , Mễ, Hoa, tiệm kem, kẹo, bánh … . Mùa đông lạnh lẽo mà húp một tô bánh mì xúp nghêu, đặc biệt thổ sản của Boston, thì thật là thú vị!