Để du học tại Nhật, các bạn cần xác định rõ mục tiêu của bản thân, bao gồm cả mục tiêu du học và mục tiêu sau tốt nghiệp. Đây không chỉ là điều kiện để hoàn thiện hồ sơ xin visa du học mà còn thuận tiện cho các bạn trong việc lựa chọn ngành học, lựa chọn nơi học và thậm chí là việc làm thêm tại Nhật.

1. Lựa chọn môi trường học phù hợp với mục tiêu sau tốt nghiệp
Khi muốn du học tại Nhật, các bạn hãy xác định tỉnh/thành cần đến trước sau đó mới lựa chọn môi trường học. Những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagova thường có chi phí đắt đỏ, Fukuoka, Kobe thì chi phí rẻ hơn. Khí hậu ở mỗi tỉnh/thành cũng có sự khác biệt. Với du học sinh Việt Nam, thường thời tiết ở Fukuoka và Kobe rất phù hợp, dễ thích nghi hơn. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên căn cứ vào tính cách của bản thân để lựa chọn. Như sôi nổi, năng động thì chọn Tokyo, còn thích trầm lặng thì có thể là Kobe.

Những điểm lưu ý khi du học tại Nhật

Tỉnh/thành quyết định yếu tố trường học. Lựa chọn trường cao đẳng hay đại học lại phụ thuộc vào mục tiêu sau khi tốt nghiệp của bạn, đó là bạn muốn làm những công việc nghiêng về chuyên môn hay thực hành. Với cùng một công việc, nhưng đại học thì tính chất công việc lại nghiêng về chuyên môn, còn cao đẳng thì đòi hỏi cao về mức độ thực hành.

Đặc biệt, một trong những khó khăn để du học Nhật là xin visa, chỉ cần lần đầu tiên không đậu là gần như đã mất tới 80% hy vọng được duyệt visa ở những lần tiếp theo. Muốn xin được visa Nhật, điều đầu tiên bạn phải xin được tư cách lưu trú du học tại Nhật - COE. Giấy phép này quyết định gần như tỉ lệ đậu visa của bạn. “Hiện tại, COE cho người Việt Nam đang được Chính phủ Nhật siết chặt nhằm chọn lọc du học sinh chất lượng. Để visa thành công, nhất định bạn phải có người bảo lãnh tại Nhật. Với du học sinh, thường sẽ là các trường mà bạn đăng ký theo học. 

Tuy nhiên hồ sơ du học sinh không hoàn hảo, văn phong câu chữ “không thống nhất theo cấu trúc trong văn bản tiếng Nhật” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trượt visa du học. Do vậy khi làm hồ sơ du học, các bạn cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ càng.

2. Hãy học tốt tiếng Nhật trước, sau đó mới làm thêm
Về việc làm thêm, ở Nhật không lo thiếu việc làm thêm, thậm chí có những công ty chỉ toàn du học sinh Việt Nam làm thêm. Lý do, dân số Nhật đang già đi, người Nhật rất cần lực lượng lao động và du học sinh là một trong những lựa chọn. Người Nhật cũng có những nhìn nhận tích cực về lao động làm thêm người Việt như chăm chỉ, siêng năng, cần cù.

“Công việc làm thêm ở Nhật của du học sinh tỷ lệ thuận với trình độ tiếng Nhật của bạn. Trình độ tiếng Nhật mà kém thì bạn chỉ có thể làm những công việc tay chân nặng nhọc như giao báo, bốc xếp đồ, công nhân nhà máy, xí nghiệp. Còn nếu khả năng tiếng Nhật tốt, bạn có thể giao tiếp với người Nhật thì công việc làm thêm của bạn có thể là nhà hàng, khách sạn, siêu thị…

Nếu lựa chọn những công việc tay chân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến việc học, dẫn đến sự chán nản cho bản thân. Còn lựa chọn những công việc phù hợp, vừa có thể trang trải được chi phí sinh hoạt vừa giúp bản thân rèn luyện tiếng Nhật sẽ khiến bạn cảm thấy có “năng lượng”.

Do đó, trước hết du học sinh hãy dành thời gian hoàn thiện tiếng Nhật thật tốt, hãy đảm bảo bản thân có thể nói chuyện được, giao tiếp được với người Nhật và làm quen được với môi trường, thời tiết, cách sống và con người Nhật thì hãy lựa chọn đi làm thêm.

Một điều lưu ý nữa là du học sinh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt luật làm thêm của Nhật: không quá 28 tiếng/tuần, các ngày lễ không quá 8 tiếng/tuần. “Các bạn đừng quá kỳ vọng vào công việc làm thêm để chi trả học phí mà hãy cố gắng để giành được học bổng từ các trường, từ Chính phủ Nhật. Học bổng căn cứ vào kết quả học của bạn và việc bạn tham gia vào các hoạt động xã hội.

Về ngành nghề, du học sinh Việt Nam nên lựa chọn những ngành có mối liên hệ giữa hai Chính phủ như du lịch, kế toán, thông dịch, công nghệ, kỹ sư, IT… thì cơ hội để chuyển từ visa du học sinh sang visa làm việc tại Nhật sẽ dễ dàng.

Cuối cùng, điều kiện để du học Nhật sau THPT là: Ít nhất tốt nghiệp THPT đạt điểm trung bình từ 6,5 trở lên, tiếng Nhật cơ bản thấp nhất N5, xác định được mục tiêu du học rõ ràng, cụ thể. Người bảo lãnh kinh tế phải có sổ tiết kiệm ít nhất 500 triệu đồng, kỳ hạn 1 năm; chứng minh được nguồn thu nhập ổn định trong 3 năm gần nhất.

Để biết thêm thông tin chi tiết về du học Nhật Bản mời bạn liên hệ với VNPC ngay hôm nay nhé!