- Dân số: 5,3 triệu người
- Diện tích: 338.145 km2
- Thủ đô: Helsinki
- Quốc khánh: 6/12
- Ngôn ngữ: Tiếng Phần Lan và Thụy Điển
- Tiền tệ: Đồng Euro
- Các thành phố lớn: Helsinki, Espoo, Tampere, Vantaa
Ngày 6/12/1917, Phần Lan tuyên bố độc lập, thành lập nền Cộng hoà và trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu từ năm 1995. Phần Lan cũng là nước Bắc Âu duy nhất tham gia hệ thống đồng tiền chung Châu Âu với tư cách là thành viên sáng lập vào tháng 1/1999.
Đặc điểm địa lý:
Nằm trong khu vực Bắc Âu, phía Đông và Nam giáp Nga, bắc giáp Na Uy, tây giáp Thụy Điển và biển Baltic, Phần Lan có đường biên giới dài 727km với Na Uy, 614km với Thụy Điển và hơn 1.340km với Nga.
Có một điểm đặc biệt là Phần Lan có tới 188.000 ao hồ rải rác khắp cả nước, chính vì thế mà đất nước này được biết với cái tên “Đất nước của hàng nghìn ao hồ”. Với diện tích lãnh thổ 337.000 km2, Phần Lan có bờ biển dài và hơn 80,000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 hòn đảo lớn nhất là Aland và Kemio – được biết đến là những hòn đảo đẹp nhất thế giới.
Với diện tích rừng chiếm ¾ diện tích cả nước, Phần Lan cũng là một đất nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên rừng như: gỗ xây dựng, quặng sắt, chì, kẽm, niken, vàng, bạc, đồng đỏ,…
Khí hậu:
Nằm ở phía cực Bắc, chỉ sau Iceland, nhiệt độ trung bình năm của Phần Lan khá thấp chỉ khoảng 6 -10*C. Thậm chí trong mùa Đông, nhiệt độ có thể hạ xuống mức thấp nhất -40*C. Tuy nhiên, nhờ một phần có dòng nước ấm từ Vịnh Mehico từ Đại Tây Dương, nên nhìn chung khí hậu Phần Lan tương đối ôn hòa với 4 mùa rõ rệt.
- Mùa Đông: Từ tháng 12 đến tháng 2. Nhiệt độ thấp nhất xuống tới – 40*C
- Mùa Xuân: Từ tháng 2 đến tháng 5. Nhiệt độ khoảng từ 0 – 10*C
- Mùa Hè: Từ tháng 6 đến tháng 8. Nhiệt độ khoảng từ 10 -24*C, có thể lên đến cao nhất 35*C. Đây cũng là đất nước với mùa hè ấm nhất Châu Âu
- Mùa thu. Từ tháng 9 đến tháng 11. Nhiệt độ dưới 10*C
Kinh tế:
Phần Lan hiện là một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất thế giới, đặc biệt là trong các ngành hàng điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm tin học, điện tử viễn thông và điện thoại di động. Công nghệ hiện đại chính là chìa khóa của sự phát triển với các ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống với chuyên môn hóa cao.
Đây cũng là một trong sáu quốc gia sản xuất giấy và bìa cứng lớn nhất thế giới, nền tảng quan trọng giúp Phần lan phát triển thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới với thu nhập đầu người đạt USD 25,440. Các ngành công nghiệp nổi bật của Phần Lan:
- Công nghiệp gỗ giấy là một ngành truyền thống của Phần Lan với chất lượng tuyệt hảo và mẫu mã bắt mắt được chế tác tinh xảo.
- Công nghiệp đóng tàu, vận tải: chế tạo các loại tàu đặc biệt như tàu phá băng, tàu chở khách, dàn khoan dầu và tàu nghiên cứu biển
- Công nghiệp luyện kim: Đây là một trong những nước đứng đầu Tây Âu về sản xuất đồng 65.000 tấn/ năm và kẽm 175.000 tấn/năm.
- Công nghiệp hóa chất, dược phẩm, điện tử
Giao thông
Cũng giống như phần lớn các nước Tây Âu khác, đường xá ở Phần Lan được bảo trì khá tốt, trải thảm nhựa và các biển báo đường rất rõ ràng giúp bạn dễ dàng tìm được đường đi cho mình. Các phương tiện giao thông công cộng như tàu hỏa và xe bus có chất lượng cao và có các điểm đến trên mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, Phần Lan cũng là đất nước có mạng lưới hàng không dày đặc nhất và rẻ nhất Châu Âu, theo đó, chỉ mất khoảng 2 tiếng cho một chuyến bay xuyên Phần Lan.
Nếu bạn di chuyển bằng phương tiện các nhân thì nên nhớ tất cả các xe có động cơ phải dùng đèn trước vào lúc hoàng hôn hay trong sương mù/ mưa, đèn trước phải bật liên tục khi ra khỏi khu dân cư. Ở Phần Lan, luật lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá quy định rất nghiêm ngặt và kiếm tra thường xuyên với nồng độ cồn trong máu không được vượt quá 0.05.
Một điểm đặc biệt nữa là, tại Phần Lan, biển báo hiệu có động vật như nai sừng tấm, tuần lộc được đặt ở những chỗ mà những con vật này đã từng đí qua, đặc biệt là vào mùa hè và lúc trời sắp tối, bạn nên lưu ý chính tốc độ và quan sát kĩ khi thấy có những biển báo này.
Hệ thống giáo dục Phần Lan
Giáo dục là một trong những nền tảng của phúc lợi xã hội Phần Lan cung cấp các cơ hội giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người. Giáo dục từ tiền tiểu học đến đại học được miễn học phí ở đất nước này. Chương trình giảng dạy cốt lõi cho bậc tiền tiểu học và giáo dục cơ bản được thông qua năm 2016 đề ra học sinh cần tập trung vào việc học tập chứ không phải định hướng. Giáo viên Phần Lan có trình độ học vấn cao và cam kết tận tâm với nghề.
Mục tiêu chính của chính sách giáo dục Phần Lan là cung cấp cho mọi công dân cơ hội được giáo dục bình đẳng. Kết cấu hệ thống giáo dục đã thể hiện rõ những nguyên tắc bình đẳng này. Hệ thống này có tính thẩm thấu cao, nghĩa là không có ngõ cụt ngăn cản sự phát triển lên các cấp học cao hơn.
Trọng tâm trong giáo dục là học tập hơn là kiểm tra. Không có bài kiểm tra quốc gia cho học sinh ở các khối lớp dưới trung học phổ thông. Thay vào đó, giáo viên có trách nhiệm đánh giá học sinh theo từng môn học tương ứng với các tiêu chí trong chương trình giảng dạy.
Kỳ thi quốc gia duy nhất là kỳ thi tuyển sinh được tổ chức vào cuối năm trung học phổ thông. Các trường đại học sẽ nhận sinh viên dựa trên kết quả bài kiểm tra này kết hợp với bài thi đầu vào.
Hệ thống giáo dục Phần Lan bao gồm:
- Giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ: được cung cấp cho trẻ trước khi bắt đầu giáo dục bắt buộc
- Giáo dục tiền tiểu học: được cung cấp cho trẻ em trong năm trước khi bắt đầu giáo dục bắt buộc
- Giáo dục cơ bản chín năm (trường học toàn diện): là giáo dục bắt buộc
- Giáo dục trung học phổ thông: là giáo dục trung học phổ thông hoặc giáo dục - đào tạo nghề
- Giáo dục đại học: được cung cấp bởi các trường đại học và đại học khoa học ứng dụng.
- Hơn nữa, giáo dục người lớn hơn tuổi học cơ bản luôn có sẵn ở tất cả các cấp.
Giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ trước khi giáo dục bắt buộc bắt đầu
Giáo dục nhà trẻ (GDNT) kết hợp giáo dục, giảng dạy và chăm sóc theo cách có hệ thống và định hướng mục tiêu. Mục tiêu của GDNT là thúc đẩy trẻ em phát triển, sức khỏe và phúc lợi cũng như cải thiện phản xạ trẻ em cho việc học được hoàn thiện.
Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cung cấp GDNT cho trẻ dưới tuổi đi học và phụ huynh cần trả một khoản học phí nhỏ. Lệ phí được xác định dựa trên thu nhập, quy mô gia đình và thời lượng đứa trẻ ở GDNT. Hướng dẫn chương trình giảng dạy quốc gia về giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ ở Phần Lan được phê duyệt bởi Cơ quan Giáo dục Quốc gia Phần Lan.
Giáo dục tiền tiểu học cho trẻ em trong năm trước khi bắt đầu giáo dục bắt buộc
Mục tiêu của Giáo dục mầm non (GDMN) là cải thiện cơ hội học tập và phát triển của trẻ. GDMN đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị chuyển tiếp từ GDMN lên Giáo dục cơ bản. Kể từ năm 2015, việc tham gia vào GDMN là bắt buộc đối với tất cả trẻ em ở Phần Lan và được cung cấp miễn phí. Người có quyền nuôi con phải đảm bảo rằng trẻ tham gia vào GDMN hoặc các hoạt động tương ứng khác đáp ứng được các mục tiêu đặt ra cho GDMN.
Chương trình giảng dạy trọng tâm của GDMN được Cơ quan Giáo dục Quốc gia Phần Lan phê duyệt, hướng dẫn lập kế hoạch nội dung và các nền tảng làm cơ sở để soạn thảo chương trình giảng dạy tại địa phương.
Giáo dục cơ bản là giáo dục bắt buộc được xem như trường học toàn diện
Giáo dục cơ bản gồm chín năm (trường học toàn diện) là bắt buộc đối với tất cả trẻ em từ 7 đến 16 tuổi. Giáo dục bắt buộc bắt đầu vào năm trẻ lên 7 và kết thúc khi giáo trình cơ bản hoàn thành hoặc sau 10 năm kể từ khi trẻ bắt đầu chương trình giáo dục bắt buộc. Mọi trẻ em thường trú tại Phần Lan phải tham gia giáo dục cơ bản và được miễn học phí bao gồm cả bữa ăn miễn phí tại trường.
Giáo dục phổ thông và dạy nghề phổ thông thay thế sau giáo dục cơ bản
Sau khi hoàn thành giáo dục cơ bản chín năm bắt buộc, những người trẻ tuổi có thể tiếp tục lựa chọn theo 1 trong 2 hướng: Giáo dục trung học phổ thông (GD THPT) hoặc Giáo dục - đào tạo nghề.
GD THPT (lukio trong tiếng Phần Lan) cung cấp giáo dục phổ thông và học sinh chưa đủ trình độ cho một nghề nghiệp cụ thể nào. Kết thúc chương trình GD THPT, học sinh dự kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Những người vượt qua kỳ thi tuyển sinh đủ điều kiện để đăng ký học tiếp tại các trường đại học, đại học khoa học ứng dụng và các cơ sở dạy nghề. GD THPT được thiết kế thường phải mất 3 năm để hoàn thành.
Những người có trình độ trung cấp nghề hoàn thành các kỹ năng nghề cơ bản trong một lĩnh vực cụ thể và năng lực chuyên môn cần thiết trong cuộc sống làm việc thực tế. Phạm vi của trình độ chuyên môn là 120 tín chỉ và phải mất 3 năm học tập toàn thời gian. Sau khi hoàn thành trình độ trung cấp nghề, học sinh có thể nâng lên trình độ THPT nghề, trình độ chuyên môn cao và trình độ nghề chuyên nghiệp. Trình độ chuyên môn cao và nghề chuyên nghiệp khi hoàn thành sẽ được cấp bằng dựa trên năng lực. Các cơ sở dạy nghề hướng dẫn trên cơ sở thực tế và được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo cụ thể tại nơi làm việc là một phần thiết yếu của quá trình học. Sau khi hoàn thành trình độ nghề, học sinh có thể tiếp tục học lên giáo dục đại học.
Hệ thống giáo dục đại học Phần Lan bao gồm các trường đại học và đại học khoa học ứng dụng
Nhiệm vụ của các trường đại học là tiến hành nghiên cứu khoa học và cung cấp giáo dục dựa trên lĩnh vực khoa học đó. Các trường đại học khoa học ứng dụng (UAS) cung cấp giáo dục thực tế hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Các trường đại học cung cấp giáo dục khoa học và nghệ thuật cao hơn, cấp bằng lần lượt theo trình độ cử nhân và thạc sĩ và tiến sĩ. Các trường đại học khoa học ứng dụng (UAS) cấp bằng cử nhân và thạc sĩ theo hệ khoa học ứng dụng.
Thời gian hoàn thành bằng cử nhân tại một trường đại học là 3 năm và đối với bằng thạc sĩ là tối thiểu 2 năm. Việc hoàn thành bằng cấp đại học khoa học ứng dụng (UAS) thường mất từ 3,5 đến 4,5 năm.
Giáo dục và đào tạo người lớn trên tinh thần học tập suốt đời
Giáo dục và đào tạo người lớn bao gồm cấp chứng chỉ, cấp bằng, đào tạo chuẩn bị cho bằng cấp chuyên môn, đào tạo học nghề, tiếp tục giáo dục cập nhật và mở rộng các kỹ năng chuyên môn, nghiên cứu các chủ đề liên quan đến kỹ năng công dân, kỹ năng sống và xã hội, nghiên cứu các nghề thủ công và các môn học khác nhau trên cơ sở giải trí.