Đức là đất nước phát triển thứ tư trên thế giới, là nền kinh tế lớn mạnh nhất châu Âu. Theo đó, quốc gia này đứng thứ ba về lượng du học sinh chỉ sau Anh và Mỹ. Với điều kiện hấp dẫn là thế nhưng học phí tại Đức gần như bằng 0 và chi phí sinh hoạt được đánh giá là rẻ hơn rất nhiều các quốc gia châu Âu khác. Cùng du học VNPC tìm hiểu xem hệ thống giáo dục nơi đây đặc biệt như thế nào mà thu hút được đông đảo du học sinh quốc tế như vậy bạn nhé!

1. Tổng quan về hệ thống giáo dục Đức
Cộng hòa liên bang Đức là quốc gia có chế độ liên bang, giáo dục nằm trong thẩm quyền của mỗi bang. Việc tổ chức ngành giáo dục có những khác biệt giữa các bang, mỗi bang có bộ luật và hệ thống giáo dục riêng. Để phối hợp các hoạt động giáo dục của các bang, và đảm bảo sự thống nhất cần thiết, Hội nghị các bộ trưởng văn hoá giáo dục (viết tắt là KMK) và Uỷ ban Liên bang – Bang đã được thành lập (năm 1949 và 1970). Ở Đức, theo quy định của hiến pháp, toàn bộ ngành giáo dục chịu sự quản lý của nhà nước. Quyền thành lập các trường tư được đảm bảo thông qua những quy định đặc biệt.

Hệ thống giáo dục Đức

Nghĩa vụ bắt buộc đến trường (giáo dục phổ cập) được quy định trong hiến pháp các bang. Có sự phân biệt giữa nghĩa vụ học phổ thông (toàn thời gian) và nghĩa vụ học nghề. Nghĩa vụ học phổ thông kéo dài đến khi kết thúc năm thứ 9 đến trường (ở 4 bang cho đến năm thứ 10). Khái niệm „năm đến trường“ không được nhầm với khái niệm „bậc lớp“ (ví dụ: với một học sinh ở lại lớp hai lần, nghĩa vụ đi học toàn thời gian kết thúc ở cuối  lớp 7 hoặc lớp 8).  Nghĩa vụ học nghề là 3 năm, bắt đầu sau khi kết thúc nghĩa vụ đi học phổ thông nếu không học tiếp trung học cơ sở hay trung học phổ thông tại một trường giáo dục phổ thông.

Ngành giáo dục của một bang được quản lý trong một bộ riêng. Tên và phạm vi chức năng của mỗi bộ được từng chính phủ bang đó quy định, phổ biến là Bộ giáo dục và văn hóa. Bộ giáo dục và văn hoá là cơ quan chức trách cao nhất của một bang đối với ngành giáo dục bang đó. Bộ giáo dục và văn hoá cùng ban quản lý nhà trường chịu trách nhiệm cả việc lập kế hoạch lẫn công tác tổ chức hệ thống nhà trường. Quyền hạn và trách nhiệm ở các bang được phân chia theo cách: bộ giáo dục văn hoá chịu trách nhiệm về nhân sự đội ngũ giáo viên (GV) và nội dung công việc ở các trường, còn các địa phương chịu trách nhiệm đối với trang thiết bị, trường sở và vật chất.

Chương trình giáo dục phổ thông do các bang quyết định. Ở bình diện liên bang, hiện nay đã ban hành chuẩn giáo dục các môn học. Các bang  xây dựng và ban hành chương trình khung riêng cho bang. Các trường dựa vào chương trình khung cần tự xây dựng chương trình dạy học riêng phù hợp với đặc thù của nhà trường. Điều này đòi hỏi GV phổ thông cần có năng lực phát triển chương trình dạy học chi tiết của môn học. Sách giáo khoa phổ thông do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn dựa trên các chương trình đào tạo và sau khi được Bộ giáo dục thẩm định và cho phép thì sẽ được lưu hành trên thị trường. Các trường và GV có thể tự chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, các trường đại học Đức có tính tự chủ tương đối cao. Các chương trình đào tạo đại học do các trường tự xây dựng. Với sự đưa vào hệ thống kiểm định chất lượng, giáo dục đại học của Đức được kiểm định và đánh giá, bao gồm các hình thức đánh giá trong và đánh giá ngoài.

2. Cấu trúc của hệ thống giáo dục tại Đức 

Phân loại các bậc học tại Đức 
So với hệ thống giáo dục tại Mỹ, bậc tiểu học và THCS tại Đức tương đối phức tạp hơn.

Sơ đồ hệ thống giáo dục Đức

Hệ thống giáo dục Đức

Hệ mẫu giáo:
Các trường mẫu giáo tại Đức đều được vận hành bởi nhà thờ hoặc tổ chức phi lợi nhuận, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ. Hệ thống này được chia nhỏ thành nhiều lớp:

- Kinderkrippe: dành cho trẻ từ tám tuần đến 3 tuổi
- Kita: dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi từ 7h sáng đến 5h chiều
- Kindergarten: Dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi (nửa ngày hoặc cả ngày)
- Hort hay Schulhort: cung cấp dịch vụ chăm sóc sau giờ học cho học sinh tiểu học

Hệ giáo dục tiểu học
Đến 6 tuổi, trẻ em tại Đức sẽ nhập học vào trường tiểu học (còn gọi là Grundschule) trong 4 năm. Riêng tại Berlin và Brandenburg, bậc tiểu học kéo dài đến 6 năm. Hầu hết các trường có kỳ nhập học vào tháng 9 hàng năm

Hệ giáo dục phổ thông
Sau khi kết thúc chương trình tiểu học (bình thường là 10 tuổi và 12 tuổi tại Berlin và Brandenburg), học sinh sẽ chọn lựa một trong 5 loại giáo dục phổ thông sau:

- Hauptschule (dành cho lớp 5-9 hoặc 5-10): là lựa chọn kém phổ biến nhất tại Đức, phù hợp cho các học sinh có định hướng kinh doanh và tham gia vào các khu công nghiệp trong tương lai. Hauptschule cung cấp cho học sinh các khóa đào tạo nghề, phần lớn học sinh sẽ tham gia làm việc part-time ở vị trí học việc. Sau khi hoàn thành bài thi cuối khóa (cuối lớp 9 hoặc 10), phần lớn học sinh sẽ chuyển đến học tại Berufsschule- một loại trường dạy nghề trong 2 năm.

- Realschule (dành cho lớp 5-10): khoảng 40% học sinh lựa chọn hình thức này tại Đức mỗi năm. Loại hình này có tính chất tương tự bậc học tại Mỹ. Học sinh sẽ được giảng dạy những kiến thức học thuật căn bản.

- Mittelschule (lớp 5-10): loại hình này là kết hợp giữa học nghề và học lý thuyết (kết hợp giữa Hauptschule và Realschule)

- Gymnasium (dành cho lớp 5-12 hoặc 5-13): phù hợp với học sinh có mong muốn vào đại học. Hiện nay, chương trình học của Gymnasium rất nặng về lý thuyết (học 2 loại ngoại ngữ, với các kiến thức khó trong toán học và các môn khoa học)

- Gesamtschule (dành cho lớp 5-12 hoặc 5-13) trực thuộc bang, là sự kết hợp của ba loại hình trên.

Nhận xét về chương trình giáo dục THPT tại Đức
Khi người Đức nhắc đến dự bị đại học, họ thường nghĩ đến “Abitur”, kì thi cuối khóa của bậc trung học phổ thông – một kì thi tối quan trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến con đường học vấn của đa số học sinh. Chương trình này chủ yếu có tại một dạng trường cụ thể gọi là “Gymnasium”(trường khoa học). Các em học sinh thường bắt đầu học tại trường này ngay sau khi tốt nghiệp tiểu học. Các chương trình bao gồm giai đoạn trung học cơ sở (tới lớp 10) và giai đoạn trung học phổ thông từ 2 đến 3 năm. Như vậy, trung học cơ sở và phổ thông chiếm tổng cộng 12 đến 13 năm.

Các môn học trong chương trình Gymnasium thường được thiết kế để đảm bảo việc các em sẽ sẵn sàng cho bậc giáo dục đại học dựa trên các lớp học bắt buộc ở các môn chính bao gồm: ngôn ngữ, ngữ văn và nghệ thuật, khoa học xã hội, toán học, và khoa học tự nhiên. Những chương trình này bao gồm các kì thi viết và nói đầy thử thách, và được quản lý bởi Bộ Giáo dục của từng bang, và đa số các bang đều thống nhất một nội dung tiêu chuẩn để đảm bảo một kì thi chung cho toàn bộ học sinh.

Sau khi hoàn thành kì thi, học sinh sẽ nhận được “Zeugnis der allgemeinen Hochschulreife” (giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học tổng quát), một chứng chỉ giúp cho học sinh có quyền lợi pháp luật được tham gia học tại một trường đại học. Bởi vì việc học ở Đức là miễn phí, chuyện này làm cho Đức nghe có vẻ như một thiên đường cho việc học thuật. Nhưng trong thực tế, việc được nhận vào các trường đại học rất khó nhằn. Điểm thi Abitur sẽ quyết định liệu học sinh có được nhận một cách nhanh chóng vào các chương trình danh tiếng mà chỉ nhận một số lượng học sinh nhất định. Theo Quỹ Tài trợ Tuyển sinh Đại học Đức, thời gian chờ đợi tuyển sinh vào các chương trình Y học, vào năm 2015, là 7 năm đối với học sinh có điểm thấp.

Hệ giáo dục sau phổ thông:
Berufsschule (trường dạy nghề- từ 2 đến 3 năm): không thuộc hê thống giáo dục công lập nhưng lại được đầu tư và bảo trợ bởi chính phủ liên bang. Berufsschule kết hợp giữa giáo dục lý thuyết và học nghề. Phần lớn học sinh sẽ có chứng chỉ sau khi hoàn thành Realschule và Mittelschule để được chấp nhận vào Beufsschule
Nước Đức có rất nhiều chương trình giáo dục dạy nghề khác nhau tại bậc trung học phổ thông. Một nhóm nhỏ những chương trình này giống với những chương trình trong tuyến giáo dục tổng quát ở chỗ là học sinh được nhận hướng dẫn trong lớp học toàn thời gian.

Dạng giáo dục dạy nghề bậc trung học phổ biến nhất lại rất nặng về huấn luyện thực tế. Hơn 50% học sinh giáo dục dạy nghề Đức học trong những hệ thống giáo dục dựa vào công việc thực tế. Đây còn được gọi là “Chương trình Kép”, một chương trình kêt hợp lý thuyết trên lớp học với huấn luyện thực tế ngoài đời trong môi trường làm việc thật sự. Chương trình này được xem là một hình mẫu lý tưởng cho các quốc gia đang tìm giải pháp cho tỉ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là ở trong giới trẻ. Trong những lúc tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng cao ở những nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đức là nước có tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi thấp thứ nhì, chỉ sau Nhật Bản – một thành tích của “Chương trình Kép”. Học sinh theo học “Chương trình Kép” được nhận vào sau khi hoàn thành bậc trung học cơ sở. Hệ thống này được miêu tả như một chương trình “bánh mì kẹp thịt” khi mà học sinh tham dự trường dạy nghề bán thời gian, trong một vài tuần liên tiếp hoặc một vài ngày trong tuần. Học sinh sẽ dùng số thời gian còn lại tại nơi làm việc. Những công ty tham dự vào chương trình này bắt buộc phải huấn luyện học sinh theo luật lệ của cả nước, và phải trả lương (thấp) cho các em. Các chương trình này kéo dài từ 2 tới 3 năm rưỡi, và kết thúc với buổi kiểm tra cuối kì, và được chấm thi bởi các cơ quan có thẳm quyền trong lĩnh vực đó, thường là những hiệp hội nghề nghiệp trong khu vực như Phòng Thương mại và Công nghiệp và Phòng Thủ Công nghiệp.

Đa số các trường dạy nghề còn cung cấp cho học sinh một con đường tiến lên thẳng giáo dục đại học thông qua các khóa học kép. Những học sinh đi theo tuyến này sẽ nhận được bằng “Zeugnis der Fachhochschschulreife” (giấy chứng nhận hoàn thành trường đại học khoa học ứng dụng), một giấy phép cho phép các em nộp vào một nhóm các trường đại học, hay còn gọi là các trường đại học khoa học ứng dụng, cũng như các trường đại học khác ở một số nhỏ các bang. Phần lý thuyết của chương trình này được hoàn thành sau 12 năm.

Giáo dục đại học và sau đại (higher education)
Tính đến năm 2013, Đức có tổng cộng 427 cơ sở giáo dục bậc đại học. Trong đó có 6 cơ sở đào tạo sư phạm, 17 trường đạo, 52 cao đẳng nghệ thuật, 215 học viện kỹ thuật, và 20 viện đào tạo các bang. Chỉ có khoảng dưới 100 trường tư nhân tại Đức

- Hệ thống các trường đại học tổng hợp : các chương trình giảng dạy luôn phải được tuân thủ và định hướng theo nghiên cứu dựa trên nguyên tắc duy nhất: “Sự thống nhất trong nghiên cứu và giảng dạy”. Hệ thống những trường này luôn đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục đại học Đức từ trước đến nay.

- Hệ thống các trường đại học khoa học ứng  dụng: Chương trình đào tạo định hướng thực tiễn, chuyên sâu vào kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn. Các chương trình đào tạo luôn được tổ chức, sắp xếp chặt chẽ nên thời gian học tập được rút ngắn hơn (thông thường là 4 năm). Đặc biệt sinh viên của các trường thực hành có thể dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp vì phần lớn các doanh nghiệp Đức cũng như doanh nghiệp Việt Nam đều muốn tuyển dụng những nhân viên có tay nghề và thực hành giỏi.

3. Hệ thống bằng cấp tại Đức
Hệ thống bằng cấp tại Đức cũng giống như các quốc gia khác tại Châu Âu được chia thành 2 cấp: Cử nhân (Bachelor) (thời gian học từ 6 – 8 học kỳ) và Thạc sĩ (Master) với thời gian học từ 2 đến 4 học kỳ. Cả hai cấp độ này đều có yêu cầu sinh viên phải vượt qua các kỳ thi được quy định trong chương trình học hoàn thành đề tài tốt nghiệp. Đối với một số ngành như y khoa, bác sỹ, luật và dược sỹ cũng như giáo viên các sinh viên sẽ phải vượt qua các kỳ thi quốc gia khác được quy định trước khi tốt nghiệp, Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sỹ, sinh viên có thể tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ (Doktor). Bằng tốt nghiệp tại các trường đại học Đức được công nhận trên toàn thế giới. Chất lượng giáo dục của các trường đại học Đức được đánh giá rất cao trên thế giới.

Sự khác biệt trong hệ thống giáo dục có thể được thấy giữa các trường đại học công và tư. Trường đại học công được tài trợ bởi chính phủ và không tính học phí hay chỉ là khoản tiền nhỏ . Các trường đại học tư nhân ngược lại hoạt động dựa trên nguồn tài chính là học phí của sinh viên và do đó mức học phí đối với sinh viên là khá cao. Ở Đức có thể thấy số lượng các trường đại học công nhiều hơn nhiều so với số lượng đại học tư. Luật pháp Đức quy định rằng giáo dục cần được cung cấp cho tất cả mọi người và tất cả mọi người đều có quyền được tiếp nhận sự giáo dục đầy đủ . Vì vậy, trong nhiều lĩnh vực học phí đã được bãi bỏ và trong các lĩnh vực khác thì mức học phí là rất nhỏ.

Đức được xếp vào nhóm các quốc gia có chính sách xã hội tốt nhất hàng đầu thế giới. Chi tiêu cho giáo dục luôn nằm trong sự ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Hệ thống giáo dục Đức hướng tới sự công bằng, tính độc lập, sáng tạo và yêu cầu chất lượng cao. Điều đó tạo cơ hội cho tất cả mọi người đều được đi học, không chỉ là những người có điều kiện. Các chương trình đào tào luôn coi người học là trung tâm, thầy cô giáo là những người hướng dẫn, đồng hành, các học viên luôn phải suy nghĩ, phản biện, thực hành và hoàn thiện chính mình. Từ đó, các bạn có suy nghĩ độc lập, tư duy linh hoạt và logic. Nói đến Đức là nói đến sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Điều đó thể hiện trong các sản phẩm họ tạo ra. Yêu cầu cao chính là thách thức cho những người trẻ để hoàn thiện bản thân, phát triển xã hội theo hướng chuyên nghiệp. Những học viên du học Đức ngành cơ khí điện tử đều được có cơ hội thực hành tại các cơ sở, doanh nghiệp có trụ ở tại nước Đức và sau khóa thực hành đó sẽ có năng lực thực sự để tham gia vào thị trường lao động ngay sau tốt nghiệp. Quá trình thực tập, các bạn cũng được trả thù lao xứng đáng khi làm việc tại các cơ sở hay công ty bạn thực hành. Có thể thấy Đức chính là địa điểm rất đáng thu hút để học tập và làm việc sau này, nếu bạn đang quan tâm du học Đức và đang tìm hiểu về các ngành đào tạo tại đây, liên hệ với VNPC ngay ngày hôm nay bạn nhé!