Bên cạnh việc thuê nhà, đăng ký sim điện thoại, đăng ký dịch vụ internet… một trong những thủ tục người nước ngoài cần phải làm khi bắt đầu cuộc sống mới ở Nhật Bản đó là mở một tài khoản ngân hàng để thanh toán. Nếu bạn chưa biết cách mở và làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng tại Nhật Bản, theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu thêm một số thông tin bạn nhé!
1. Du học sinh có thể mở tài khoản ngân hàng tại Nhật Bản không?
Bạn sẽ cần phải có tài khoản ngân hàng khi sinh sống tại Nhật Bản để sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như chuyển khoản tiền lương, thanh toán tiền nhà, tiền điện – gas – khí đốt, gửi tiền hoặc nhận tiền từ nước ngoài, nhận tiền học bổng,…
Khi “thanh toán tiền nhà hoặc tiền điện, gas”, bạn có thể lựa chọn nhiều phương thức thanh toán khác nhau như trao tận tay tiền cho chủ nhà và công ty quản lý, hoặc chuyển khoản. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất được mọi người sử dụng là tự động rút tiền từ tài khoản ngân hàng. Trong một số trường hợp khi thuê nhà, bạn sẽ bị yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng như một điều kiện cho thuê.
Ngoài ra, cầm một khoản tiền lớn trong tay cũng rất nguy hiểm, nên nếu sống tại Nhật Bản thì bạn nên đăng ký một tài khoản ngân hàng tại Nhật Bản để sử dụng.
Cho dù bạn là người nước ngoài sống tại Nhật, bạn vẫn có thể mở tài khoản ngân hàng tại đây và được phép chuyển tiền ra nước ngoài khi thỏa mãn các điều kiện dưới đây:
- Là du học sinh hoặc người đang đi làm tại Nhật có thời gian lưu trú trên 6 tháng
- Có đăng ký cư trú
Tuy vậy, vẫn có một số nơi cho phép bạn mở tài khoản ngân hàng ngay cả khi thời gian lưu trú tại Nhật chưa đủ 6 tháng như ngân hàng Yucho với điều kiện bạn đang sinh sống tại Nhật Bản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn cần lưu ý là sẽ bị hạn chế một số dịch vụ như chuyển tiền ra nước ngoài,…
Sau khi mở tài khoản, bạn có thể an tâm sử dụng; tuy nhiên cũng có thể xảy ra một số rắc rối như không thể nhận tiền chuyển sang từ nước mình. Để tránh những tình huống như vậy xảy ra, bạn cần kiểm tra kỹ thông tin khi mở tài khoản.
Trên đây là một số điều kiện chung để mở tài khoản thông thường. Mỗi ngân hàng sẽ có quy định khác nhau về điều kiện mở tài khoản nên tốt nhất là bạn nên đăng ký ở nhiều ngân hàng khác nhau
2. Đặc trưng của các ngân hàng Nhật Bản
Chúng tôi sẽ giới thiệu các đặc trưng của ngân hàng Nhật Bản trước khi nói về cách thức mở tài khoản ngân hàng. Thông thường, ngân hàng sẽ nghỉ vào các ngày cuối tuần và ngày lễ. Do đó, bạn cần lưu ý rằng việc sử dụng ATM vào ngày nghỉ của ngân hàng và ngoài giờ làm việc sẽ bị mất phí.
Không chỉ có thủ tục mở tài khoản mà cả việc chuyển khoản thanh toán hóa đơn điện thoại, tiền điện, gas, tiền nhà hoặc đóng tài khoản đều cần có “con dấu chữ ký cá nhân”. Con dấu chữ ký cá nhân được sử dụng phổ biến trong những giao dịch kinh doanh quan trọng hay khi thuê nhà, làm các thủ tục hành chính,…
Bạn có thể đặt mua con dấu cá nhân ở nhiều nơi như cửa hàng chuyên khắc dấu, trung tâm bán đồ dùng gia đình hay cửa hàng văn phòng phẩm. Chúng tôi khuyên bạn nên đặt làm con dấu chữ ký cho riêng mình khi chuyển đến Nhật Bản.
Không có quy định nghiêm ngặt nào về con dấu chữ ký khi mở tài khoản ngân hàng nên bạn có thể đặt làm theo tên hoặc họ của mình. Thậm chí viết ngang hay viết dọc đều được. Tuy nhiên, bạn nên yêu cầu cửa hàng làm bằng phông chữ phức tạp để tránh bị làm giả con dấu và cũng nên nói với cửa hàng về việc “muốn làm con dấu chữ ký ngân hàng” khi đặt hàng. Thời gian đến khi con dấu được làm xong sẽ khác nhau tùy theo cửa hàng, vì vậy nếu dự định mở tài khoản ngân hàng thì bạn nên đặt sớm
3. Người nước ngoài nên chọn ngân hàng nào?
Nhật Bản có 2 kiểu ngân hàng, một là ngân hàng có trụ sở và hai là ngân hàng trực tuyến không có trụ sở nhưng bạn vẫn có thể giao dịch tiền qua mạng hoặc ATM của ngân hàng. Đặc biệt, ngân hàng trực tuyến có một vài đặc trưng riêng mà ngân hàng có trụ sở không có nên chúng tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn như dưới đây:
Đặc trưng của ngân hàng trực tuyến
- Phí giao dịch rẻ do không tốn phí nhân công và phí duy trì cửa hàng.
- Lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn ngân hàng truyền thống, có trụ sở và chi nhánh
- Có thể kiểm tra số dư, chuyển khoản, giao dịch qua mạng
- Có thể sử dụng 24h ở bất kì đâu nếu có mạng internet
- Có thể mở tài khoản ngân hàng qua mạng (có một số ngân hàng không cho phép điều này)
Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu một số ngân hàng mà người nước ngoài nên sử dụng:
Ngân hàng Yucho (ngân hàng truyền thống có trụ sở)
Đây là một trong những ngân hàng ít rào cản mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký nhất khi ở Nhật. Bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu là có thể tiến hành thủ tục mở tài khoản. Ngân hàng có thể hỗ trợ nhiều loại ngôn ngữ nên bạn có thể yên tâm lựa chọn cho dù không tự tin về khả năng tiếng Nhật của mình.
Thủ tục mở tài khoản của ngân hàng này khá đơn giản so với các ngân hàng khác, nhưng bạn có thể bị giới hạn một số giao dịch như không thể rút tiền tiết kiệm hoặc hạn chế chuyển tiền cho đến khi bạn lưu trú tại Nhật đủ 6 tháng. Vì vậy, để tránh trường hợp không nhận được tiền gửi từ nhà, bạn hãy xác nhận kỹ các điều khoản khi mở tài khoản.
- Các giấy tờ cần thiết: thẻ lưu trú, thẻ sinh viên, thẻ nhân viên, con dấu
- Thời gian cần thiết để mở tài khoản: khác nhau phụ thuộc vào tình hình hoạt động của ngân hàng
- Máy ATM có thể sử dụng: Yucho-ginko (ゆうちょ銀行), Seven-ginko (セブン銀行), Mitsubishi UFJ ginko (三菱UFJ銀行),…
- Phí rút tiền ATM: miễn phí đối với máy ATM của Yucho-ginko (nếu trong thời gian sử dụng. Thời gian sử dụng có thể thay đổi tùy theo từng vùng)
- Phí nhận tiền từ nước ngoài: thay đổi tùy thuộc vào ngân hàng trung chuyển và tỉ giá hối đoái
- Phí chuyển tiền ra nước ngoài: 3.000 yên (chuyển tiền qua Internet Banking), 7.500 yên (giao dịch tại quầy)
Ngân hàng Mitsubishi UFJ (ngân hàng truyền thống có trụ sở)
Mitsubishi UFJ được biết đến là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, có chi nhánh trên toàn quốc và tự hào là ngân hàng hàng đầu nhờ uy tín và sự phát triển ổn định.
- Các giấy tờ cần thiết: giấy chứng minh nhân thân (thẻ lưu trú, hộ chiếu, giấy chứng nhận người vĩnh trú đặc biệt,…), con dấu
- Thời gian cần thiết để mở tài khoản: khoảng 1 tuần
- Máy ATM có thể sử dụng: Mitsubishi UFJ ginko, Seven-ginko, Yucho-ginko…
- Phí rút tiền ATM: miễn phí rút tiền trong khoảng thời gian từ 8:45 ~ 21:00 tất cả các ngày trong tuần đối với ATM của Mitsubishi UFJ ginko, các cây ATM khác là 110 yên
- Phí nhận tiền từ nước ngoài: 0,05% khoản tiền gửi (tối thiểu là 2.500 yên)
- Phí chuyển tiền ra nước ngoài: chuyển tiền cho doanh nghiệp, công ty là 2.500 yên (chuyển tiền qua Internet Banking), 7.000 yên (giao dịch tại quầy); cộng thêm 500 yên khi chuyển tiền sang các ngân hàng khác.
Shinsei-ginko (ngân hàng trực tuyến)
Đây cũng được đánh giá là ngân hàng phù hợp với người nước ngoài khi có thể dễ dàng đăng ký, và có cả hỗ trợ tiếng Anh cho người sử dụng.
- Các giấy tờ cần thiết: thẻ lưu trú hoặc bản sao giấy chứng nhận người vĩnh trú đặc biệt + giấy đăng ký thường trú (bản gốc)
- Thời gian cần thiết để mở tài khoản: khoảng 2 tuần
- Máy ATM có thể sử dụng: Shinsei-ginko, Seven-ginko, Lawson ATM, Yucho-ginko…;
- Phí rút tiền ATM: 110 yên/lần
- Phí nhận tiền từ nước ngoài: gần như là miễn phí ※có điều kiện kèm theo
- Phí chuyển tiền ra nước ngoài: 2.000 yên + 0,1% khoản tiền gửi (tối thiểu là 1.500 yên)
GMO Aozora Net-ginko (ngân hàng trực tuyến)
Ngân hàng này có giao dịch ngoại tệ với khá nhiều quốc gia. Bạn có thể gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ nên lãi suất sẽ cao hơn so tiền yên. Đây chính là một trong những ưu điểm của ngân hàng này.
- Các giấy tờ cần thiết: thẻ lưu trú hoặc giấy chứng nhận người vĩnh trú đặc biệt + hộ chiếu
- Thời gian cần thiết để mở tài khoản: khoảng 3 ~ 4 tuần
- Máy ATM có thể sử dụng: Seven-ginko, Aeon-ginko, Yucho-ginko
- Phí rút tiền ATM: miễn phí rút tiền 24 giờ trong khoảng từ 2 ~ 15 lần đối với hội viên. Sau đó, phí rút tiền sẽ là 110 yên/lần
- Phí nhận tiền từ nước ngoài: không thể nhận tiền chuyển khoản từ nước ngoài
- Phí chuyển tiền ra nước ngoài: không thể chuyển tiền ra nước ngoài ※có thể chuyển tiền nếu sử dụng dịch vụ liên kết.
3. Bạn cần phải chuẩn bị những giấy tờ cần thiết nào để mở tài khoản ngân hàng?
Như đã nói ở trên, mỗi ngân hàng quy định các thủ tục giấy tờ khác nhau. Trong đó, các giấy tờ cần nộp chủ yếu như sau:
- Hộ chiếu
- Thẻ lưu trú (在留カード)
- Thẻ sinh viên (学生証)
- Thẻ nhân viên (社員証)
- Thẻ bảo hiểm y tế (健康保険証)
- Giấy chứng nhận người vĩnh trú đặc biệt (特別永住者証明書)
- Bằng lái xe (運転免許証)
- Giấy đăng ký thường trú (住民票)
- Hóa đơn dịch vụ công cộng (公共料金明細書)
- Con dấu
4. Quy trình mở tài khoản ngân hàng ở Nhật
Trong nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ hướng dẫn toàn bộ quy trình khi bạn đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản.
Bước 1: Đến ngân hàng muốn mở tài khoản
Bạn hãy lựa chọn ngân hàng gần với một trong các địa điểm như nhà riêng, trường học và cơ quan. Ngoài những địa điểm này ra, bạn có thể bị từ chối nếu mở tài khoản ở những nơi khác.
Bước 2: Sau khi vào cửa, bạn đến quầy giao dịch làm thủ tục mở tài khoản
Khi đặt chân vào cửa, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều quầy giao dịch. Mỗi quầy sẽ thực hiện những nghiệp vụ khác nhau, nên bạn cần đến đúng quầy để mở tài khoản. Nếu bạn không biết nên chọn quầy nào thì có thể hỏi nhân viên hoặc hướng dẫn viên đứng gần bạn. Nhiều ngân hàng thường có đông khách đến giao dịch có thể sẽ yêu cầu khách hàng lấy số thứ tự để xếp hàng.
Một vài câu giao tiếp tiếng Nhật thông dụng thường sử dụng khi làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng
- “Tôi muốn mở tài khoản ngân hàng” (ginko-koza wo tsukuritaidesu)
- “Tôi nên đến quầy giao dịch nào để mở tài khoản?” (dokono madoguchi ni ikeba iidesuka?)
Bước 3: Điền phiếu đăng ký và nộp giấy tờ cần thiết
Khi đến quầy giao dịch, bạn sẽ được yêu cầu điền phiếu đăng ký mở tài khoản. Sau khi điền xong phiếu đăng ký, nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu bạn nộp các giấy tờ cần thiết. Chúng tôi khuyên bạn nên nghĩ trước các phương án mật khẩu trước khi làm thủ tục đăng ký.
Bước 4: Nhận sổ tài khoản
Sau khi điền phiếu đăng ký và nộp đủ giấy tờ cần thiết, các thủ tục thiết lập tài khoản cho bạn sẽ được thực hiện và bạn có thể nhận được sổ tài khoản ngay trong ngày. Thẻ ATM sẽ được gửi qua đường bưu điện vài ngày sau đó (một số ngân hàng có thể cấp thẻ luôn trong ngày). Sau khi nhận được thẻ, bạn coi như đã hoàn thành thủ tục và có thể ra về
5. Bạn có cần đóng tài khoản trước khi về nước?
Bạn nhớ phải đóng tài khoản trước khi về nước. Nếu bạn không đóng tài khoản thì có thể sẽ gặp một số vấn đề như dưới đây:
- Đến một thời gian nhất định, bạn sẽ không thể rút số tiền đã gửi trong tài khoản đó nữa.
- Bạn sẽ mất phí duy trì tài khoản.
Bạn sẽ không thể làm thủ tục đóng tài khoản từ nước ngoài, nên hãy tiến hành thủ tục trước khi về nước. Khi đó, bạn đừng quên chuẩn bị trước sổ tài khoản, thẻ ATM, giấy tờ chứng minh nhân thân (thẻ lưu trú, hộ chiếu,…) và con dấu. Bạn chỉ cần có đủ giấy tờ cần thiết thì thủ tục đóng tài khoản có thể hoàn tất ngay trong ngày tại quầy giao dịch hoặc qua mạng internet. Còn nếu làm thủ tục đóng tài khoản qua bưu điện, bạn sẽ mất khoảng 2 tuần. Ngoài ra, trường hợp bạn đăng ký dịch vụ thanh toán chi phí dịch vụ công cộng (điện, nước, internet,..) bằng cách trừ tiền tài khoản, bạn nên thanh toán trước khi đóng tài khoản.
Thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho du học sinh ở Nhật Bản không quá phức tạp, tuy nhiên, nếu khả năng ngôn ngữ của bạn chưa ổn bạn có thể gặp khó khăn ở một vài bước đầu. Nếu bạn đang chuẩn bị hành trang lên đường du học Nhật Bản, liên hệ với VNPC để được hướng dẫn bạn nhé!
>> Có thể bạn muốn biết:
Tư vấn du học canada uy tín
Điều kiện xin học bổng du học Úc
Học bổng du học Singapore đại học
Du học Thuỵ Sĩ quản trị khách sạn
Đi du học ở Úc hết bao nhiêu tiền